Hội nghị Tăng cường hợp tác, liên kết nuôi và tiêu thụ tôm hùm vì sự phát triển bền vững (07-01-2025)

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngày 30 tháng 12 năm 2024, tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, Cục Thủy sản đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cùng Ủy ban Nhân dân thị xã Sông Cầu tổ chức Hội nghị "Tăng cường hợp tác, liên kết nuôi và tiêu thụ tôm hùm vì sự phát triển bền vững". Sự kiện có sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý, tổ chức khoa học, doanh nghiệp, và đông đảo người nuôi tôm hùm.
Hội nghị Tăng cường hợp tác, liên kết nuôi và tiêu thụ tôm hùm vì sự phát triển bền vững
Ảnh 1: Hội nghị thu hút đông đảo nhiều thành phần đại biểu tham gia

Hội nghị do Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng, và Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu Phan Trần Vạn Huy đồng chủ trì. Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan Trung ương như Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III. Ngoài ra, các sở, ngành địa phương, các tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, và đông đảo bà con ngư dân cũng hiện diện, thể hiện sự quan tâm lớn đến ngành hàng tôm hùm.

Thực trạng và vai trò kinh tế của ngành tôm hùm

Theo Cục Thủy sản, nghề nuôi tôm hùm tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ từ năm 2000, đã trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế biển quan trọng đối với các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ. Năm 2024, tổng số lồng nuôi tôm hùm khoảng 280.000 chiếc; sản lượng tôm hùm thương phẩm ước đạt 5.800 tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 430 triệu USD, chủ yếu phát triển tập trung tại hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa (chiếm > 94%), các tỉnh còn lại như Quãng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu có nuôi tôm hùm nhưng quy mô nhỏ hơn.

Có bốn loài tôm hùm nuôi phổ biến gồm tôm hùm bông (Panulirus ornatus), tôm hùm xanh (Panulirus homarus), tôm hùm tre (Panulirus polyphagus), và tôm hùm đỏ (Panulirus longipes). Trong đó, tôm hùm bông và tôm hùm xanh chiếm ưu thế nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh và giá trị kinh tế cao. Về nghiên cứu khoa học đối với tôm hùm ở Việt Nam như sinh sản nhân tạo giống tôm hùm, nuôi tôm hùm trong bể trên bờ… đã được các đơn vị khoa học công nghệ, doanh nghiệp tiến hành nghiên cứu thông qua một số đề tài/dự án và cũng đã đạt được một số kết qủa nhất định.

Ảnh 2: Ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc phát biểu ý kiến

Những thách thức của ngành nuôi tôm hùm

Mặc dù đạt nhiều thành tựu, ngành hàng tôm hùm vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại. Cụ thể: Quy hoạch chưa đồng bộ, một số địa phương chưa có quy hoạch chi tiết cho vùng nuôi tôm hùm, dẫn đến việc cấp phép nuôi biển và đăng ký lồng bè diễn ra chậm; Phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên, Việt Nam chưa sản xuất được giống nhân tạo, khiến người nuôi phải dựa vào nguồn giống khai thác từ tự nhiên hoặc nhập khẩu; Công nghệ nuôi lạc hậu, công nghệ nuôi truyền thống vẫn chiếm chủ đạo, trong khi các công nghệ tiên tiến như lồng HDPE hay nuôi trong bể trên bờ chưa được ứng dụng rộng rãi; Thách thức thị trường, việc tiêu thụ tôm hùm chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và nội địa, chưa đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu chính ngạch; Cuối cùng là ô nhiễm môi trường, một bộ phận người nuôi chưa nhận thức đầy đủ về bảo vệ môi trường, dẫn đến tình trạng phát thải từ hoạt động nuôi không được kiểm soát chặt chẽ.

Giải pháp thúc đẩy hợp tác và phát triển bền vững

Tại hội nghị, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức sản xuất, liên kết truy xuất nguồn gốc tôm hùm. Cục Thủy sản đã phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu biện pháp gắn mã truy xuất nguồn gốc cho tôm hùm, giúp theo dõi từ cơ sở nuôi đến các hợp tác xã, cơ sở thu gom, sơ chế, phục vụ cho xuất khẩu. Việc gắn tem truy xuất nguồn gốc đang được triển khai thí điểm tại Phú Yên và dự kiến sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.

Ảnh 3: Cục trưởng Trần Đình Luân kiểm tra tôm hùm gắn thẻ truy xuất nguồn gốc vùng nuôi

Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, cho biết địa phương đang triển khai sắp xếp, giao khu vực biển, mặt nước để nuôi trồng thủy sản lồng bè ngay sau khi Đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt, tiến tới chấm dứt tình trạng nuôi trồng thủy sản không phép, trái phép trên đầm, vịnh. Đồng thời, thị xã đang hình thành vùng nuôi biển xa bờ với diện tích 1.380ha, đầu tư công nghệ nuôi phù hợp với từng đối tượng nuôi.

Để góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm, tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thuỷ sản Trần Đình Luân đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan ở Trung ương và địa phương cần triển khai một số giải pháp căn cơ, hiệu quả, tập trung ba nhóm vấn đề sau:

Về công tác quản lý: Rà soát và sắp xếp vùng nuôi, thực hiện cấp phép nuôi biển, giao khu vực biển; xác nhận đăng ký nuôi lồng bè theo quy định và tổ chức lại sản xuất. Tổ chức sản xuất và tiêu thụ tôm hùm theo chuỗi giá trị; xây dựng các mô hình liên kết ngang, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thành các Tổ hợp tác, Hợp tác xã hoặc Chi hội nghề nghiệp, và liên kết dọc, liên kết với các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư đầu vào, và các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu tôm hùm; hoàn thiện cơ sở dữ liệu Hệ thống truy xuất nguồn gốc để đưa vào vận hành trong năm 2025. Xúc tiến thành lập Hiệp hội của người nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm hùm Việt Nam. Kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, điều kiện cơ sở nuôI, cơ sở nhập khẩu, ương dưỡng, cung cấp con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường và vật tư phục vụ nuôi tôm hùm. 

   Bên cạnh đó quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác nguồn giống tôm hùm tự nhiên. Thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của của người dân về bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống tự nhiên. Tổng kết mô hình quản lý khai thác, ương nuôi tôm giống hiệu quả để hướng dẫn nhân rộng. Chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh trong nuôi và kiểm dịch tôm hùm giống nhập khẩu. Tăng cường trách nhiệm và phối hợp trong công tác quan trắc, cảnh báo môi trường tại vùng ương giống, nuôi thương phẩm với sự tham gia của các Viện nghiên cứu, địa phương, người nuôi và kịp thời chia sẻ thông tin giữa các bên.

Ảnh 4: Đoàn công tác Cục Thủy sản đi kiểm tra vùng nuôi tôm hùm

   Các địa phương rà soát, điều chỉnh kế hoạch phát triển sản xuất tôm hùm (vùng ương dưỡng tôm giống và nuôi tôm thương phẩm) để đưa vào quy hoạch sử dụng đất, mặt nước biển theo quy định. Xây dựng, ban hành quy chế thu gom, xử lý chất thải các vùng nuôi tôm hùm; thực hiện việc quản lý thu gom và xử lý chất thải từ nuôi tôm hùm.

Về ứng dụng khoa học công nghệ:  Tiếp tục nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo, trên cơ sở rà soát, kế thừa các nghiên cứu khoa học trước và tranh thủ sự hợp tác quốc tế (Úc, New Zealand, Nhật bản…), đặc biệt có sự hợp tác và liên kết từ các doanh nghiệp để có sản phẩm thương mại.  Quan tâm nghiên cứu môi trường và nguồn lợi tôm hùm, trong đó chú trọng bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia ứng dụng nuôi tôm hùm công nghệ cao; hoàn thiện công nghệ nuôi trong bể để áp dụng nhân rộng. Cần nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp cho ương giống, nuôi thương phẩm; nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học bảo vệ sức khoẻ, nâng cao sinh trưởng tôm hùm.

Năm 2025 kết thúc Đề án phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm đến năm 2025. Các đơn vị triển khai ngay các kết quả từ đề án, đồng thời rà soát các nhiệm vụ được giao và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển bền vững và hiệu quả, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trong giai đoạn tới.

Đẩy mạnh xúc tiến thị trường: Tiến hành xúc tiến tiêu thụ tôm hùm thị trường trong nước và nước ngoài; xem xét kỹ thị yếu của thị trường để chỉ đạo sản xuất cho phù hợp; tổ chức tiêu thụ ổn định thị trường trong nước; duy trì các thị trường hiện tại và mở rộng Xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng theo hướng chính ngạch. Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung gắn với cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ. Chỉ đạo, lựa chọn và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết nuôi và tiêu thụ tôm hùm.

Hội nghị "Tăng cường hợp tác, liên kết nuôi và tiêu thụ tôm hùm vì sự phát triển bền vững" tại Phú Yên đã đặt nền móng cho việc xây dựng một ngành nuôi tôm hùm hiện đại, bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan sẽ là chìa khóa để ngành tôm hùm Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác